1. Công văn số 2921/TCT-CS ngày 03/8/2021 về hạch toán chi phí được trừ đối với chi phí mua và tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của doanh nghiệp
Tại điểm 2.3 1 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi bổ sung theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, khoản 4 Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC) quy định như sau:
“2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau :
- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).”
Căn cứ quy định nêu trên, đối với khoản chi mua và tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người lao động trong doanh nghiệp, nếu đáp ứng các điều kiện các khoản chi được trừ và không thuộc các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Công văn số 2953/TCT-TTKT ngày 6/8/2021 về việc xác định chi phí lãi vay trong doanh nghiệp có giao dịch liên kết
- Trường hợp Công ty A chỉ phát sinh giao dịch liên kết với đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với Công ty A và không bên nào hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ thì Công ty A được miễn kê khai xác định giá giao dịch liên kết tại mục III, mục IV, nhưng phải kê khai căn cứ miễn trừ tại mục I, mục II tại mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ.
- Công ty A là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch liên kết với Công ty B trong các kỳ tính thuế từ năm 2017 đến năm 2019 thì Công ty A thuộc đối tượng áp dụng Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ. Theo đó, trường hợp trong năm 2017, 2018, 2019 Công ty A có phát sinh chi phí lãi vay thì chi phí lãi của Công ty A được xác định theo quy định của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP; Nghị định số 68/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp có liên quan.
3. Công văn số 2966/TCT-DNL ngày 6/8/2021 về tiền chậm nộp tiền thuế TTĐB
Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Hà Nam, sau khi HVN nộp hồ sơ khai thuế TTĐB cho Cục Thuế tỉnh Hà Nam (theo mẫu tờ khai số 01/TTĐB) thì hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) đã ghi nhận nghĩa vụ thuế TTĐB của HVN và thực hiện bù trừ nghĩa vụ thuế với chứng từ nộp tiền thuế ngày 14/5/2021 của Công ty, đồng thời tự động tính tiền chậm nộp tiền thuế đối với kỳ tính thuế tháng 12/2019 đến tháng 01/2021.
- Về tiền chậm nộp tiền thuế: Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế tỉnh Hà Nam, phối hợp với Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc để xem xét, đối chiếu nghĩa vụ nộp thuế TTĐB của HVN với NSNN. Trường hợp, việc HVN kê khai, nộp thuế không đúng địa chỉ cơ quan thuế nhưng không dẫn đến chậm nộp tiền thuế cho NSNN thì Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế tỉnh Hà Nam căn cứ pháp luật từng giai đoạn được quy định tại Điều 106 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội, khoản 1 Điều 34 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 29/11/2013 của Bộ Tài chính, khoản 1 Điều 59 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội về các trường hợp phải nộp tiền chậm nộp để xử lý tiền chậm nộp phát sinh tự động trên hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) của cơ quan thuế, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Công văn số 3061/TCT-KK ngày 13/8/2021 về kê khai thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh
Căn cứ Khoản 1 a, 1 e Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 1 đ, khoản 6 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính.
Công văn số 1938/BTC-TCT ngày 26/2/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc thực hiện Thông tư số 156/2013/TT-BTC và các Thông tư khác.
Trường hợp người nộp thuế có phát sinh hoạt động xây dựng, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh thì người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp thuế theo hướng dẫn tại điểm a, điểm e khoản 1 Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 1 đ, khoản 6 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính. Số thuế đã nộp vãng lai tại các tỉnh khác được kê khai vào chỉ tiêu “[39] Thuế GTGT đã nộp ở địa phương khác của hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng, bất động sản ngoại tỉnh" trên tờ khai thuế GTGT mẫu số 01/GTGT của trụ sở chính.
5. Công văn số 3098/TCT-CS ngày 17/8/2021 về thủ tục miễn thuế tài nguyên đất khai thác
Hồ sơ miễn thuế, giảm thuế tài nguyên đối với đất khai thác và sử dụng tại chỗ được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 82 Luật Quản lý thuế năm 2019 và theo hướng dẫn chi tiết của Bộ Tài chính.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Thông tư thay thế thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo kiến nghị của các địa phương doanh nghiệp; Trong đó, đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ miễn thuế, giảm thuế (bao gồm cả thuế tài nguyên) cho phù hợp với thực tế.
6. Công văn số 2844/LĐTBXH-PC ngày 25/8/2021 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn một số vướng mắc trong việc thực hiện chính sách
Đối với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” nhưng có một số người lao động không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu “3 tại chỗ” của doanh nghiệp thì những trường hợp này hai bên người lao động và doanh nghiệp thống nhất để xác định theo một trong các cách sau:
- Doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc và trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động. Trong trường hợp này, người lao động được hỗ trợ chính sách ngừng việc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo chương V (Điều 17 đến Điều 20) của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid - 19 (sau đây gọi là Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg).
- Thống nhất với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động theo điểm h Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ không hưởng lương theo Khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động.
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật lao động, như: thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động; thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo điểm c Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động;..